Chiều 9-7, kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) tiến hành phiên thảo luận ở tổ với các ý kiến trọng tâm nêu giải pháp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tăng thu ngân sách, phòng chống tội phạm, thu hút đầu tư, quản lý đất đai…
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lớn
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do nhiều yếu tố từ sản lượng công nghiệp của một số ngành trọng điểm giảm, các doanh nghiệp lớn dừng sản xuất (2 nhà máy thép), vướng mắc các dự án đã thu tiền từ lâu nhưng đến nay chưa triển khai; các dự án lớn như sân bay Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu chậm triển khai; đóng cửa hàng loạt các mỏ khai khoáng… Thành phố đang điều chỉnh theo hướng công nghệ cao, phát triển mang tính bền vững và bảo đảm môi trường, hướng đến phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm sáng, đặc biệt là thu hút nước ngoài với hơn 540 triệu USD.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, năm 2019 thành phố sẽ hoàn chỉnh quy hoạch đô thị chung theo hướng “Thành phố trong vườn”, tăng cường mảng xanh bền vững. Việc điều chỉnh quy hoạch chung, hoàn thiện và phát triển đô thị dựa trên triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Thông báo 331-TB/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ được xem xét kỹ lưỡng từng dự án theo hướng đặt lợi ích phục vụ cộng đồng lên trên hết. “Cần phải tổ chức lại không gian đô thị hợp lý, cân đối, vừa bảo đảm lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của thành phố. Để giải quyết được những yếu tố trên, cần phải có nguồn lực, đội ngũ quản lý tốt”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho rằng, để bảo đảm kinh tế phát triển ổn định, thành phố cần quan tâm bảo đảm cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng xây dựng lộ trình cụ thể để thúc đẩy chủ trương mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng; triển khai nhanh dự án cảng Liên Chiểu. Đây là các công trình, dự án sẽ tác động tích cực, tạo cú hích phát triển kinh tế thành phố trong những năm tới. Song song, chú trọng phát triển du lịch bền vững, gắn với công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả; kiên quyết xử lý những doanh nghiệp làm ăn mất uy tín, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Đà Nẵng.
Bảo vệ môi trường, phát triển các cụm công nghiệp
Để du lịch thành phố phát triển trong thời gian đến, ĐB Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, trước tiên ngành du lịch cần có đánh giá tổng thể để tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp tiếp tục thu hút, giữ chân du khách. ĐB Như Hoa bày tỏ lo lắng nếu môi trường biển của thành phố bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến mất việc làm, giảm nguồn thu ngân sách. “Chính quyền thành phố cần đặc biệt quan tâm hơn nữa cho việc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường biển, phải xem đây là các dự án trọng điểm; có giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết đóng cửa các nhà hàng, khách sạn gây ô nhiễm môi trường biển”, ĐB Võ Thị Như Hoa đề xuất.
Theo ĐB Trần Thắng Lợi, Phó chánh Văn phòng Thành ủy, việc đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) hiện nay vẫn quá chậm. Vì vậy, ĐB Lợi đề nghị thành phố cần xem xét, rà soát và kiểm tra lại tiến độ triển khai thủ tục để sớm hoàn chỉnh các CCN, nhằm giải quyết bức xúc cho các doanh nghiệp nhỏ, sản xuất trong các khu dân cư, trong thời gian qua. ĐB Phùng Phú Phong, Phó ban Đô thị HĐND thành phố cho biết, qua giám sát cho thấy, đến năm 2020, CCN Cẩm Lệ và Hòa Nhơn mới tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa.
Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của thành phố. Trong khi đó, Nghị quyết của HĐND đề ra là phải sớm xây dựng CCN để bố trí các DN hoạt động trong các khu dân cư; đồng thời sắp xếp cho các DN vừa và nhỏ có ý định đầu tư tại Đà Nẵng ĐB Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố nêu thực trạng lãng phí nguồn tài nguyên đối với diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không sản xuất được chiếm diện tích khá lớn trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu.
“Đề nghị, thành phố cần đưa ra lộ trình cụ thể trong việc thu hồi đất nông nghiệp bỏ hoang, không sản xuất được để xây dựng các CCN, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định về mặt bằng sản xuất kinh doanh”, ĐB Nguyễn Kim Dũng đề xuất. Cùng quan điểm, ĐB Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang đề nghị thành phố sớm hu hồi diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang để ghép vào các dự án khai thác quỹ đất, nhằm bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân. Đây cũng là nguồn thu ngân sách không nhỏ cho thành phố trong thời gian đến.
Quy hoạch hạ tầng giao thông, quản lý hiệu quả đất đai
Theo ĐB Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, việc triển khai theo Thông báo 331-TB/TU cần phải xem xét các dự án một cách hợp lý, bảo đảm tính khả thi, nếu xét thấy nhà đầu tư có năng lực thực sự thì đôn đốc triển khai. Liên quan đến công tác quản lý đất đai, ĐB Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố cho rằng, nguồn lực dự trữ đất của thành phố khá hạn hẹp cho sự phát triển chung của thành phố. Ông Cường cũng đề nghị, thành phố cần làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là phải ưu tiên quỹ đất cho phát triển giáo dục, văn hóa và các công trình công cộng… phục vụ người dân và du khách.
Tham gia phiên thảo luận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung cho biết, hiện nay, nhiều khu dân cư mới không quy hoạch hạ tầng giao thông tĩnh (các bãi đậu ô-tô), là bất cập, làm nảy sinh nhiều hệ lụy. UBND thành phố và các ban, ngành liên quan cần chỉ đạo các chủ đầu tư sớm bàn giao hạ tầng kỹ thuật để có quy hoạch tổng thể về giao thông, giải quyết những bất cập nói trên.
ĐB Huỳnh Bá Cử, Phó ban Pháp chế HĐND thành phố cho rằng, bước đầu các nội dung phân cấp đã tạo được tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cho các ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, một số nội dung được phân cấp nhưng do quy định về trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ còn nhiều phức tạp, qua nhiều bước, nhiều cơ quan, đơn vị, gây ách tắc, chậm trễ, kéo dài gây bức xúc cho công dân, tổ chức. Vì vậy, cần rà soát lại các thủ tục, phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian giải
quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Tăng cường giải pháp phòng, chống tội phạm ma túy
Tham gia phiên thảo luận, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Trần Thanh Vân cho biết, hiện nay tội phạm ma túy tăng mạnh, diễn biến phức tạp, năm sau nhiều hơn năm trước. Riêng địa bàn quận Liên Chiểu, trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện hơn 500 người sử dụng trái phép chất ma túy. “Thành phố cũng đã có nhiều giải pháp, nhiều quy định để nhằm làm giảm tội phạm ma túy trong thời gian qua nhưng vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả. Cần phải tăng cường các giải pháp căn cơ, có các quy định, chế tài mạnh tay để xử lý loại tội phạm này một cách quyết liệt nhất”, ông Trần Thanh Vân nhấn mạnh. |
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN XÂY DỰNG VÀ ĐẦU TƯ QUANG NGUYỄN
? Địa chỉ: 244C Nguyễn Hữu Thọ – Q. Hải Châu – Đà nẵng
? Showroom: 98 Tiểu La – Q. Hải Châu – Đà Nẵng
? Giao hàng nội thành miễn phí
LIÊN HỆ:
☎️ 0236.3630.886 (Showroom)
☎️ 0236.3634.666 (Tổng đài văn phòng)
✉️ Email: quangvinhxd@yahoo.com
? Website: quangnguyengroup.com.vn
Bình luận: