Tuyến đường Ngô Quyền và Ngũ Hành Sơn dẫn vào cảng Tiên Sa là tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông do xe tải, xe container chạy với lưu lượng lớn. Để hạn chế tai nạn giao thông, UBND thành phố đã cấm xe vận chuyển hàng hóa ra vào cảng Tiên Sa trong giờ cao điểm nên ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế. Vì vậy, việc cải tạo trục đường này là cấp thiết nhằm vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất và kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).
Nút giao thông phía đông cầu Sông Hàn sẽ được điều chỉnh hình học đảo vòng xuyến và bố trí hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Trục đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn có chiều dài tổng cộng 7.841m, rộng 48m với với dải phân cách giữa rộng 2m, hai dải phân cách biên rộng 2m, vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m, hai phần đường chính mỗi chiều rộng 10,5m, hai đường gom rộng 6m. Với hiện trạng trục đường và phương án tổ chức giao thông hiện tại, tiềm ẩn tai nạn giao thông, đặc biệt là do dòng xe hỗn hợp với nhiều xe tải nặng, kích thước lớn (như xe kéo rơ-moóc, xe sơ-mi rơ-moóc) có nhiều điểm mù nên đã xảy ra va chạm, tai nạn, xung đột với các phương tiện đang lưu thông khác như: mô-tô, xe máy, xe thô sơ trên tuyến cũng như tại các nút giao thông.
Qua quá trình nghiên cứu và ghi nhận thực tế, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý…, Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghệ (TDIC) đã đưa ra 5 phương án cải tạo trục đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn và điều chỉnh tổ chức giao thông để phân tích, đánh giá, đề xuất phương án tối ưu. Theo đó, phân luồng toàn bộ mô-tô, xe máy, xe thô sơ và ô-tô có kích thước nhỏ vào lưu thông ở đường gom (cấm xe khách trên 16 chỗ ngồi và xe tải có tải trọng hơn 2,5 tấn lưu thông) và phân thành 2 làn đường.
Tuyến đường chính được phân thành 3 làn đường chỉ dành cho các loại ô-tô lưu thông. Trong đó, đường gom hiện trạng được mở rộng từ 6m thành 7,5m bằng cách tháo dỡ toàn bộ dải phân cách biên, làm mới mặt đường rộng 2m và lắp đặt dải phân cách bằng bê-tông cốt thép lắp ghép rộng 0,5m kết hợp di dời hệ thống điện chiếu sáng, hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật hiện trạng trên dải phân cách biên để phù hợp với hiện trạng và định hướng trong tương lai (sau khi xây dựng cảng Liên Chiểu, chuyển trục đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn thành đường nội thị và tháo dỡ dải phân cách biên)…
Đối với các nút giao thông, bố trí đèn tín hiệu tại tất cả các nút giao thông có mở dải phân cách nhằm bảo đảm an toàn, đặc biệt dòng xe máy đang lưu thông trong đường gom muốn sang đường nhưng khoảng cách qua đường xa và các loại ô-tô trên đường chính đang lưu thông với tốc độ cao; điều chỉnh và tổ chức lại pha đèn trên nguyên tắc ưu tiên các dòng xe yếu thế (xe máy, xe thô sơ) và ít giao cắt nhất với dòng xe tải nặng, xe container.
Các nút đang tổ chức giao thông bằng đảo vòng xuyến (Ngô Quyền – Nguyễn Công Trứ, Ngũ Hành Sơn – Nguyễn Văn Thoại – Ngô Quyền – đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý, phía đông cầu Sông Hàn…) có lưu lượng xe qua nút đông và phức tạp được xóa bỏ hoặc điều chỉnh hình học nút và bổ sung đèn tín hiệu điều khiển giao thông. Trong phạm vi 60m trước khi vào nút giao thông, thu hẹp dải phân cách giữa, tăng bề rộng mặt đường tuyến chính để bố trí 1 làn rẽ trái, 2 làn đi thẳng cho xe tải nặng, xe container ra vào cảng kể cả trong giờ cao điểm, 1 làn rẽ phải…
PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng (chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị) cho hay: “Tôi đánh giá phương án cải tạo trục đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn và điều chỉnh tổ chức giao thông lại như vậy là hợp lý cả về chủ trương lẫn giải pháp chính đối với trục đường và các nút giao thông. Chủ trương và giải pháp này rất ổn và xuất phát từ mục đích hàng đầu là bảo đảm ATGT; tiếp đó là bảo đảm cho xe tải chạy liên tục để vận chuyển hàng hóa, không phải cấm xe tải chở hàng hóa vào giờ cao điểm để không ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa, hoạt động logistics của cảng Tiên Sa và thiệt hại về kinh tế”.
Rất nhiều xe container xếp hàng chờ hết giờ cấm để lưu thông trên đường Ngô Quyền. Ảnh: THÀNH LÂN. |
PGS.TS Phan Cao Thọ cũng tán đồng việc tổ chức giao thông tại các giao lộ bằng hệ thống đèn tín hiệu điều khiển cưỡng bức và cho rằng, đây là giải pháp ưu tiên hàng đầu cho bảo đảm ATGT, nhất là tại các nút giao có đảo vòng xuyến.
Các nút giao thông đảo vòng xuyến ở đường Ngô Quyền có quá đông phương tiện giao thông. Tôi ủng hộ việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông ở một số lối vào để hạn chế việc chống ùn tắc, tai nạn giao thông. Việc xen phần giữa nút giao để bổ sung thêm làn rẽ trái là một giải pháp tốt và bố trí lệch pha đèn tín hiệu giao thông để các phương tiện rẽ trái cũng rất tốt. Phần đường địa phương (đường gom) được tính toán và phân làn như vậy là ổn, nhưng cần phải hạn chế tốc độ lưu thông của ô-tô con, xe tải nhỏ”, PGS.TS Phan Cao Thọ nói.
Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (đơn vị được giao làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án) cho hay: “UBND thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo đường Ngô Quyền và Ngũ Hành Sơn. Chúng tôi đang triển khai các bước thủ tục tiếp theo theo đúng quy định để thi công”.
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN XÂY DỰNG VÀ ĐẦU TƯ QUANG NGUYỄN
? Địa chỉ: 244C Nguyễn Hữu Thọ – Q. Hải Châu – Đà nẵng
? Showroom: 98 Tiểu La – Q. Hải Châu – Đà Nẵng
? Giao hàng nội thành miễn phí
LIÊN HỆ:
☎️ 0236.3630.886 (Showroom)
☎️ 0236.3634.666 (Tổng đài văn phòng)
✉️ Email: quangvinhxd@yahoo.com
? Website: quangnguyengroup.com.vn
Bình luận: